Thời gian gần đây, các ứng dụng đầu tư tài chính trở nên nở rộ hơn bao giờ hết. Theo mình nghĩ thì nó đang đánh đúng vào phân khúc thị trường nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn ít, sợ rủi ro. Gửi tiết kiệm ngân hàng thì lãi có như không, mà đưa tiền lên sàn chứng khoán, tiền điện tử thì lại sợ “một đi không trở lại”. Chỉ trong 5 năm gần đây thôi đã có rất nhiều app đầu tư ra đời. Trong số đó nổi tiếng nhất có lẽ là Finhay mà mọi người vẫn hay gọi chung là Finhay Shark Hưng.
Nhiều người có lẽ không biết Finhay là ứng dụng gì nhưng họ biết Finhay Shark Hưng vì nó thuê Shark Hưng – Vị “Cá mập” cực nổi tiếng từ chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ cùng rất nhiều người nổi tiếng khác quảng cáo cho. Tuy nhiên, Finhay có thực sự tốt như những gì mà ứng dụng này quảng cáo không? Nếu bạn đang muốn đầu tư vào Finhay thì nhất định đừng bỏ qua bài viết này.
Mục lục
App Finhay là gì?
Finhay là một ứng dụng đầu tư tài chính phù hợp với nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nó cung cấp cơ hội gửi tích lũy không kỳ hạn với lãi suất cao hơn ngân hàng; đầu tư vào nhiều mã chứng chỉ quỹ, chứng khoán; thâm chí là mua bảo hiểm, mua vàng online và giữ vàng cho bạn luôn. Ngoài ra nó còn có cả một nền tảng ngân hàng CIMB ngay trên ứng dụng Finhay.
Có thể nói Finhay đang hướng tới việc tạo ra một nền tảng toàn diện có thể cung cấp nhiều danh mục đầu tư nhất cho có thể. Bạn chỉ cần 50.000 đồng là đã có thể gửi tiền vào Finhay để đầu tư rồi. Quả thật nếu bạn là một người trẻ làm việc văn phòng và đã tích lũy một khoản tiền nhỏ thì đây là một nơi phù hợp để bạn không cần mất nhiều thời gian mà vẫn kiếm được tiền một cách thụ động.
Mô hình kinh doanh của Finhay thực sự rất mới mẻ và phù hợp với thị trường ở thời điểm hiện tại. Vì lẽ đó từ lúc mới bắt đầu nó đã thu hút được rất nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến Quỹ H2 Ventures của Úc và Quỹ đầu tư mạo Insignia Ventures Partner.
Finhay lừa đảo không?
Finhay nổi tiếng từ chương trình “Thương vụ bạc tỷ” và được đánh giá là một start-up cực kỳ tiềm năng. Tuy nhiên Finhay dù gì cũng chỉ là một nền tảng mới và không ai biết được tương lại sẽ ra sao. Nhiều người lo ngại Finhay lừa đảo hay phá sản thì tiền có bị mất không. Phần này mình sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn về Finhay có lừa đảo không?
Có thể bạn quan tâm: Tikop lừa đảo
Finhay của công ty nào?
Finhay được cấp giấy phép hoạt động số 0107748373 bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 06/03/2017. Với tư cách pháp nhân là Công Ty cổ phần Finhay Việt Nam. Trụ sở đặt Tầng 6, Tòa nhà Kim Hoàn, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Là một trong những công ty đi tiên phòng trong lĩnh vực này, năm 2020 Finhay còn được Sở KH & CN Hà Nội cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo. Ngoài ra nó còn nhận được nhiều giải thưởng khác như:
- Top 100 World Fintech năm 2019
- Giải Nhì Fintech Summit năm 2019
Đầu tư Finhay có an toàn không?
Finhay chỉ đóng vai trò là trung gian kết nối bạn với các sản phẩm như quỹ đầu tư, bảo hiểm hay vàng của PNJ,… Và nó thu phí bảo trì tài khoản, phí rút tiền hay một vài loại phí khác (mình sẽ đề cập ở phần sau). Còn không giữ tiền và sử dụng tiền của nhà đầu tư trên Finhay app. Vậy dòng tiền sẽ được xử lý như thế nào?
– Tiền của bạn được quản lý bởi TVAM – Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Thiên Việt. Đây cũng là công ty quản lý quỹ cho ví thần tài Momo.
– Dòng tiền từ Finhay chuyển qua TVAM được kiểm toán bởi một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4). Đó chính công ty Ernst & Young (EY).
– Bảo mật hệ thống sẽ do CMC, đây là tập đoàn Công nghệ Viễn thông có quy mô lớn thứ 2 trong nước.
– Cuối cùng tiền được ủy thác đầu tư phải được lưu ký tức là mọi giao dịch từ Finhay đến TVMA và được phân bổ như thế nào trong quỹ đầu tư sẽ phải được ghi lại bởi ngân hàng BIDV.
Vì lẽ đó dù Finhay có phá sản thì bạn cũng không phải lo sẽ bị mất tiền. Tuy nhiên việc bạn đầu tư vào các sản phẩm trên ứng dụng luôn có rủi ro thua lỗ và mất tiền. Trừ bạn gửi tiền vào gói tích lũy thì được cam kết lãi suất.
Đầu tư Finhay như thế nào?
Danh mục sản phẩm trên app Finhay bao gồm: tích lũy, chứng chỉ quỹ, chứng khoán, vàng, bảo vệ, ngân hàng và hoàn tiền. Khi đánh giá khá nhiều app đầu tư tài chính rồi thì mình thấy danh mục đầu tư của các app khác nhau rất nhiều. Chẳng hạn như đều cung cấp sản phẩm chứng chỉ quỹ nhưng các quỹ mà app hợp tác sẽ khác nhau. Cho nên ngoài việc xem app đầu tư có an toàn không thì bạn nên đánh giá xem các sản phẩm có tiềm năng không, nó có phải là cái bạn cần không rồi hãy mở tài khoản. Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các sản phẩm mà Finhay cung cấp.
Tích lũy
Tích lũy Finhay cũng giống như gửi tiết kiệm ngân hàng vì nó cam kết lãi suất. Đây là sản phẩm duy nhất trong danh mục mà bạn chắc chắn không bị thua lỗ khi gửi tiền vào.
Lãi suất Finhay gói tích lũy dao động trong khoảng 4-8%. Nó có 3 gói bao gồm:
Gói tích lũy | Lãi suất |
Không kỳ hạn | 4%/năm |
Kỳ hạn 3 tháng | 6%/năm |
Kỳ hạn 12 tháng | 8%/năm |
Gói tích lũy sẽ sử dụng tiền gửi của nhà đầu tư để đầu tư vào các tài sản ít rủi ro được phát hành bởi ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính như hợp đồng tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu,… Các tài sản yêu cầu vốn đầu tư lớn và giữ trong dài hạn. Cho nên là các nhà đầu tư nhỏ lẽ sẽ rất khó để mua được. Vì vậy thông qua app, quỹ sẽ sử dụng tiền của nhiều nhà đầu tư gửi vào để đi đầu tư và hiển nhiên là mức lãi suất sẽ cao hơn để ăn phần chênh lệch này.
Theo mình đánh giá thì gói tích lũy của Finhay khá ổn, cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng không nhiều. Nó chưa đủ cạnh tranh với các app khác như gửi tiền Túi thần tài Momo bạn có lãi suất không kỳ hạn tới 6%/năm. Còn nếu bạn chọn tích lũy ở Infina thì lãi tới 7.2%/năm không kỳ hạn. Phần này mình chưa đề cập tới phí tài khoản. Cho nên nếu bạn chỉ bỏ tiền trong gói tích lũy mà không đầu tư sản phẩm nào khác nên cân nhắc kỹ giữa lãi và chi phí.
Chứng khoán
Đây là một sản phẩm mà Finhay mới ra mắt sau khi mua lại Công ty CP Chứng Khoán Vina (VNSC). Đây là sản phẩm do Finhay hợp tác với Thiên Việt (TVS). Các nhà đầu tư của Ứng dụng này giờ đây có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán ngay trên Finhay app một cách cực kỳ nhanh chóng và dễ dàng.
Tại sao bạn nên đầu tư chứng khoán Finhay?
– Đầu tư tối thiểu 0.1 cổ phiếu. Việc mua cổ phiếu lô lẻ trên sàn cũng là một điều cực khó chứ chưa nói tới mua lẻ 0.1 cổ phiếu như trên Finhay. Với các nhà đầu tư mới nếu các bạn còn lo ngại rủi ro giao dịch chứng khoán thì có thể thử bắt đầu quy mô nhỏ với Finhay.
– Đầu tư đơn giản: Giao diện đơn giản với các bước mua và bán dễ dàng.
– Có gợi ý đầu tư cho F0: Khi truy cập vào app Finhay sẽ gợi ý các cổ phiếu tiềm năng đẻ giảm rủi ro cho bạn.
Đây là một tính năng mới trên app nên nó còn khá đơn giản và chắc chắn thời gian tới Finhay sẽ còn bổ sung nhiều tính năng thú vị hơn cho ứng dụng đầu tư chứng khoán này.
Quỹ đầu tư
Ở danh mục này bạn sẽ không chọn chính xác một quỹ đầu tư trên thị trường mà Finhay sẽ chia nhóm nó thành 6 mức độ dựa trên độ rủi ro. Các mức độ này được thiết kế theo Thuyết danh mục đầu tư hiệu quả của Harry Markowitz. 6 mức độ theo độ rủi ro tăng dần lần lượt là: Rùa Hoàn Kiếm => Có Trắng => Voi Rừng => Sao La => Trâu Nước => Báo Gấm.
Danh sách các quỹ đầu tư hợp tác với Finhay:
STT | Công ty | Quỹ | Loại quỹ |
1 | Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt | BVBF | Trái phiếu |
2 | BVPF | Cổ phiếu | |
3 | Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương – TechcomCapital | TCBF | Trái phiếu |
4 | TCFF | Trái phiếu | |
5 | Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam | DCBF | Trái phiếu |
6 | DCDS | Quỹ cân bằng (cổ phiếu và trái phiếu) | |
7 | DCBC | Cổ phiếu | |
8 | Công ty Cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam | DCVFMVN30 | ETF |
9 | Công ty TNHH Quản Lý Quỹ SSI (SSIAM) | SSIBF | Trái phiếu |
10 | SSIAM VNX50 | ETF | |
11 | SSI-SCA | Cổ phiếu | |
12 | SSIAM VNFIN LEAD | ETF | |
13 | Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán IPA (IPAAM) | VNDAF | Cổ phiếu |
14 | Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT | VNDBF | Trái phiếu |
15 | Công ty TNHH Quản lý quỹ Mirae Asset VN | FUEMAV30 | ETF |
16 | Công ty CP Quản lý quỹ VinaCapital | VN100 | ETF |
Rùa Hoàn Kiếm
Rùa Hoàn Kiếm là gói đầu tư có mức độ rủi ro thấp nhất. Mặc dù không cam kết lãi suất như gói tích lũy nhưng lãi suất của nó ổn định tương đương. Finhay cho biết mức lãi suất của gói này có thể lên tới 6%/năm. Sở dĩ nó an toàn là vì vốn đầu tư của gói toàn bộ được đổ vào đầu tư quỹ trái phiếu. Bao gồm Quỹ SSIBF 40% + TCBF 40% + TCFF 20%.
Gói nói sẽ phù hợp với các nhà đầu tư không thích rủi ro nhiều và chỉ muốn đầu tư tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn. Bởi vì tài sản hầu như biến động rất thấp cho nên bạn có thể rút bất cứ lúc nào mà vẫn hưởng được mức lãi tốt.
Cò trắng
Cũng là một gói đầu tư an toàn với rủi ro cao hơn Rùa Hoàn Kiếm một chút. Vốn đầu tư vào gói sẽ giữ 77% để đầu tư quỹ trái phiếu và chỉ 23% đầu tư vào quỹ cổ phiếu hoặc quỹ hoán đổi. Mức tăng trưởng gói Cò Trắng cũng tốt hơn nhiều với lãi suất ước tính có thể lên tới 14%/năm (dữ liệu lịch sử năm 2021).
Với gói đầu tư này bạn nên giữ tối thiểu từ một năm vì dù an toàn nhưng vẫn có biến động. Nếu thiếu kiên định thấy giá giảm mà vội bán thì sẽ khá đáng tiếc.
Voi Rừng
Theo mình đây giống như là gói đầu tư cân bằng vì vốn được chia gần như là tỷ lệ 1:1 cho quỹ trái phiếu và quỹ cổ phiếu. Cụ thể là 58% vào quỹ trái phiếu + 42% vào quỹ cổ phiếu hoặc quỹ hoán đổi. Nhóm Voi rừng cũng khá biến động nên bạn cần kiên nhẫn giữ một vài năm. Vì rủi ro cao hơn nên hiển nhiên lãi suất bạn có thể nhận được cũng cao hơn. Finhay ước tính lãi suất của gói này theo dữ liệu lịch sử lên tới 18.3%/năm.
Sao la
Đến Sao la thì mức độ rủi ro đã đẩy lên khá nhiều và như Finhay phân chia thì đây là gói thích hợp với trader thích thử thách. Có tới 65% vốn được đổ vào quỹ cổ phiếu hoặc quỹ hoán đổi danh muc. Và chỉ có 35% còn lại được đầu tư vào trái phiếu thôi. Cổ phiếu thì bạn biết là nó biến động rất mạnh rồi nên nếu chọn gói Sao La bạn nên sẵn sàng tinh thần là tiền lãi có thể thay đổi âm/dương liên tục. Vì vậy Finhay khuyên nhà đầu tư cần kiên nhẫn giữ trong 2 tới 5 năm. Vì rủi ro cao nên lãi suất mà Finhay ước tính cho gói này lên tới 34.7%/năm.
Trâu Nước
Gói này lãi suất có thể lên tới 41.6%/năm và mình nhắc lại là có thể thôi nhé! Đây thực sự là gói đầu tư mạo hiểm vì có tới 88% vốn đổ vào quỹ cổ phiếu và chỉ 12% là quỹ trái phiếu thôi. Cho nên bạn có thể thấy trên app có ghi lãi tới 41.6%/năm nhưng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn. Đây là gói chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm và có biện pháp quản lý rủi ro tài chính. Finhay khuyến khích nhà đầu tư nên giữ dài hạn tới 5 năm.
Báo Gấm
Đây là gói đầu tư mới ra mắt từ giữa năm 2021 nên chưa có nhiều dữ liệu về mức tăng trưởng của nó ra ra sao. Nhưng Finhay cũng đưa ra ước tính lãi suất lên tới 49.5%/năm. Nguồn vốn trong quỹ sẽ được chia 95% cho quỹ ETF và 5% cho quỹ trái phiếu. Xét về rủi ro thì trái phiếu ít rủi ro nhất, tiếp đến là cổ phiếu và rủi ro lớn nhất chính quỹ ETF. Quỹ ETF của Finhay bao gồm 40% SSIAM-VNFIN-LEAD, 12% MAFM-VN30, 25% VinaCapital-VN100 và 18% SSIAM-VNX50. Báo Gấm là gói đâu tư có mức độ rủi ro cao nhất và nó cũng mới nữa nên mọi người cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhận định: Theo mình đánh giá thì danh sách quỹ đầu tư của Finhay hợp tác không có hiệu quả hoạt động tốt như nhiều quỹ đầu tư hàng đầu trên thị trường. Mặc dù Finhay ước tính lãi suất của các gói đầu tư này rất cao. Nhưng khi tìm hiểu hiệu quả hoạt động từng quỹ thì mình thấy âm là nhiều. Có lẽ một phần khi mình tiến hành đánh giá thì thị trường đang trong xu hướng down một thời gian dài. Nhưng mà mình vẫn khuyên các bạn nên tìm hiểu kỹ các quỹ đầu tư trước xem hiệu quả nó như nào hẵng đầu tư chứ không nên nhìn vào các con số hấp dẫn trên app.
Đá bảo vệ
Thông thường bạn mua bảo hiểm cho gia đình hay cá nhân đều sẽ mua cả gói khoảng vài chục triệu. Nó có thể là bảo hiểm rủi ro tai nạn hay ốm đau,… Tuy nhiên việc chủ động mua bảo hiểm ở Việt Nam nó không phổ biến lắm mặc dù rất cần thiết. Vì vậy để nhiều người tiếp cận các gói bảo hiểm dễ dàng với chỉ 300 đồng/ngày là bạn có thể nhận được một gói bảo hiểm trị giá tới 200 triệu.
Danh sách các gói bảo hiểm mà Finhay đang hợp tác:
– BIDV Metlife – Bảo hiểm tai nạn cơ bản
– Bảo hiểm PTI – Bảo hiểm tai nạn hộ gia đình
– Bảo hiểm PTI – Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo
– Bảo hiểm VBI – Bảo hiểm VBI Care
– Bảo hiểm VBI – Bảo hiểm bệnh ung thư vú
Finhay còn bổ sung tính năng nâng cấp hủ đặc biệt thêm quyền chọn đá bảo vệ với một trong các gói bảo hiểm trên. Nếu bạn có nhu cầu mua bảo hiểm thì phần này được Finhay hỗ trợ khá tốt, thủ tục đơn giản.
Hũ vàng
Vàng đang là một kênh đầu tư cực kỳ tốt ở Việt Nam. Dù giá vàng trong nước cao hơn thế giới nhưng vẫn không khiến nhu cầu trữ vàng giảm đi. Vì vậy hũ vàng là một trong những danh mục đầu tư hấp dẫn không kém quỹ đầu tư trên Finhay. Finhay đã hợp tác với PNJ để ra mắt tính năng mua vàng trực tuyến ngay trên Finhay app. Mua vàng trên Finhay đơn giản như thế nào?
– Chỉ cần truy cập vào App Finhay và đặt mua hoàn toàn qua ứng dụng
– Finhay hợp tác với PNJ giữ vàng cho bạn hoàn toàn miễn phí
– Khi cần bạn có thể đến lấy vàng thật ngay tại PNJ. Lưu ý khi rút vàng ra thì bạn sẽ tự bán lại với PNJ chứ Finhay không hỗ trợ mua lại nữa.
– Vàng bạn mua là loại vàng 24K, bạn mua tối thiểu 0.5 chỉ và tối đa 100 chỉ trên ngày.
Ngân hàng CIMB – Finhay
Đây là sản phẩm giúp danh mục của Finhay trở nên toàn diện hơn. Ở phần sau mình sẽ chia sẻ về phí rút tiền của Finhay thì bạn sẽ hiểu tại sao ngân hàng CIMB lại là một lựa chọn tốt. Finhay đã hợp tác với CIMB bank của Malaysia để cho ra mắt thẻ ghi nợ và tín dụng Visa Finhay-CIMB. Lợi ích khi mở thẻ này là gì?
– Không cần chứng minh thu nhập, mở được hạn mức từ 5-100 triệu
– Không tốn bất kỳ phí gì: Free phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí quản lý, phí chuyển tiền, phí rút tiền, phí sms,…
– Rút tiền từ các mục đầu tư khác trên Finhay về tài khoản ngân hàng CIMB miễn phí, nhanh chóng
– An toàn và có khá nhiều chương trình khuyến mãi tương tự các thẻ visa của ngân hàng khác.
Hoàn tiền – Cashback
Finhay có liên kết với khá nhiều thương hiệu cũng như các sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam như shopee, Tiki, Lazada,… Nếu bạn mua hàng từ liên kết trên Finhay thì sẽ được hoàn từ 0.5-5% tùy thương hiệu.
Phí giao dịch trên Finhay
Bên cạnh quan tâm tới lãi suất Finhay trong các sản phẩm đầu tư thì bạn cũng cần đặc biệt chú ý đến chi phí mà Finhay thu. Thực ra là các app đầu tư mới thì mới chưa thu phí thôi như Tikop chẳng hạn. Hay nếu chỉ đầu tư quỹ thôi thì Fmarket cũng không thu phí. Tuy nhiên danh mục đầu tư của nó ít hơn. Còn các app đầu tư để duy trì và phát triển thì việc thu phí là sớm muộn; quan trọng là phí cao hay thấp thôi. Nói chung tùy vào nhu cầu và đánh giá lãi suất, chi phí để chọn app đầu tư phù hợp nhé! Mình sẽ review sơ một chút về phí của Finhay để các bạn dễ nắm.
Finhay không tính phí mở tài khoản và nạp tiền. Nhưng nó thu phí bảo trì tài khoản; phí rút tiền trong một số trường hợp; và phí chuyển đổi danh mục đầu tư (từ tích lũy sang quỹ hay từ quỹ này qua quỹ khác). Mức phí thay đổi theo cấp độ thành viên của bạn mới => đồng => bạc => vàng.
Phí bảo trì
Công thức tính: phí bảo trì/tháng = tổng tài sản (tích lũy + quỹ đầu tư)*%phí
Hạng thành viên | Mới | Đồng | Bạc | Vàng |
Phí hàng tháng | 0,09% – tối đa 1,100đ | 0,09% – tối đa 2,200đ | 0,07% – tối đa 7,700đ | 0,05% – tối đa 22,000đ |
Lưu ý:
– % phí là tính theo tháng và trừ thẳng vào quỹ đầu tư hoặc tích lũy không kỳ hạn vào ngày đầu tiên của tháng.
– Tài sản để tính trong công thức phí bảo trì không áp dụng với tiền đầu tư trong vàng, bảo vệ, ngân hàng, chứng khoán.
– Sản phẩm tích lũy không bị thu phí nạp, rút, chuyển đối. Chỉ bị tính duy nhất một khoản phí là bảo trì.
Phí rút tiền (áp dụng với quỹ)
Đây là mức phí tính cho một lần rút đối với thành viên mới và đồng. Còn nếu bạn là thành viên bạc thì chỉ gần gửi 9 tháng là được free phí rút; thành viên vàng 6 tháng là được free phí rút.
Cách tính:
Phí rút tiền = Khoản tiền A x % phí A + Khoản tiền B x % phí B
* Khoản tiền A có thời gian gửi khác với khoản tiền B
Thời gian gửi | < 3 tháng | 3 – 6 tháng | 6 – 12 tháng | 12 – 18 tháng | >18 tháng |
Phí rút | 1.39% | 0,99% | 0,79% | 0,49% | Free |
Ví dụ: Bạn là thanh viên mới, bạn gửi tích lũy cách đây 6 tháng là 1 triệu. Cách đây 3 tháng bạn có đầu tư quỹ thêm 4 triệu. Bây giờ bạn rút hết 5 triệu thì phí = 1.000.000×0.79%+4.000.000×0.99%
Lưu ý:
– Bạn còn bị trừ thêm số tiền thuế TNCN trong tổng tiền rút là 0.1%
– Thời gian tính ở công thức trên là tư khi bạn mua sản phẩm trên Finhay không phải là thời bạn nộp tiền vào.
Phí chuyển đổi danh muc
Khi bạn chuyển đổi từ quỹ đầu tư này sang quỹ khác hay quỹ đầu tư về tích lũy thì bạn sẽ bị tính phí này.
Hạng thành viên | Mới | Đồng | Bạc | Vàng |
Phí chuyển đổi | Giống với biểu phí rút tiền | Lần đầu trong tháng: 0.5%; Lần 2 trở đi: theo biểu phí rút tiền | Lần đầu trong tháng: Miễn phí; Lần 2 trở đi: theo biểu phí rút tiền |
Lưu ý:
– Bạn cũng bị tính thêm 0.1% thuế TNCN như rút tiền
Nạp và rút tiền trên Finhay app
Cách thức nạp và rút tiền trên Finhay thì rất đơn giản, bạn muốn rút tiền từ sản phẩm nào thì bạn truy cập vào sản phẩm đó và chọn rút tiền. Tiến hành làm theo các bước mà ứng dụng yêu cầu tương tự như các app tài chính khác thôi. Tuy nhiên một vài điều quan trọng bạn cần lưu ý là:
– Phí nạp tiền: Miễn phí. Nhưng mà bị tính phí bởi ngân hàng hoặc ví điện tử bạn sử dụng.
STT | Cách nạp tiền | Phí nạp |
1 | Chuyển khoản ngân hàng | Áp dụng theo biểu phí ngân hàng |
2 | Nạp tiền qua thẻ ATM | 2,950đ trên mỗi lần nạp |
3 | Ví Onepay | 5,200đ/lần nạp tiền |
4 | Ví Momo | 0,55% số tiền nạp |
– Phí rút tiền: Đã nói ở trên
– Finhay liên kết với ngân hàng nào? Hiện tại Finhay chỉ liên kết với 4 ngân hàng thôi. Đó là Techcombank, PVcomBank, Viet Capital Bank, CIMB Bank. Ngoài ra có 4 tùy chọn ví điện tử cũng phù hợp là: Ví Momo, OnePay, ePay và TrueMoney.
Kết luận
Sau khi review về tất cả các vấn đề mình cho là quan trọng để đánh giá về Finhay thì có thể tóm lượt một vài ưu, nhược điểm của nó như sau:
Ưu điểm | Nhược điểm |
Đầu tư từ số vốn nhỏ | Thu nhiều loại phí, không cạnh tranh bằng phí của nhiều app đầu tư khác |
App đơn giản, dễ sử dụng | Lãi suất Finhay chỉ cao hơn ngân hàng chứ chưa thực sự cạnh tranh |
An toàn cho nhà đầu tư | Nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả |
Danh mục sản phẩm khá toàn diện | Ít ngân hàng liên kết |
Thanh khoản cao, thích rút tiền lúc nào cũng được | |
Có chuyên gia đầu tư thay không mất nhiều thời gian, không sợ thiếu kinh nghiệm |
Vậy là mình đã review Finhay một cách khá tổng quát để các bạn cơ bản nắm được Finhay là ứng dụng gì? Finhay của công ty nào? Đầu tư Finhay an toàn không? Finhay lãi suất ra sao? Nói chung mình nghĩ app đầu tư có nhiều lợi ích cho các bạn mới tham gia đầu tư. Tuy nhiên, lời khuyên của mình là các bạn cần tìm hiểu kỹ về các sản phẩm mà mình định đầu tư đặc biệt là các quỹ. App đầu tư tài chính thực sự không phải là cách đầu tư gì mới. Tuy nhiên mỗi app có một ưu điểm riêng với một danh mục sẽ có cái được và cái mất. Không app đầu tư nào cam kết sẽ có lãi suất trừ bạn gửi tích lũy lãi thấp ra. Quan trọng là bạn phải khôn ngoan và hiểu rõ về sản phẩm mà mình chọn.
Tổng hợp: Tienaogiatot.com