Nến Nhật hay biểu đồ nến Nhật hay mô hình nến Nhật đều là các công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực tài chính. Nó được sử dụng để mô tả các hành động giá (price action) thể hiện cho tâm lý nhà đầu tư phía sau. So với biểu đồ dạng line thông thường thì việc sử dụng biểu đồ nến Nhật sẽ cho bạn nhiều thông tin hơn về thị trường. Vì lẽ đó mà bất kỳ nhà đầu tư nào muốn bắt đầu phân tích kỹ thuật và đưa ra chiến lược đầu tư cho riêng mình thì điều đầu tiên cần phải nắm đó là hiểu về nến Nhật.
Cho nên bài viết hôm nay, Tienaogiatot sẽ giới thiệu với các bạn về nến Nhật là gì? ý nghĩa nến Nhật; các loại nến Nhật cần biết cũng như những mô hình nến Nhật thường xuyên được sử dụng trong phân tích kỹ thuật nhất.
Mục lục
Mô hình nến Nhật là gì?
Với những cây nến đơn của từng khoảng thời gian khác nhau đứng ghép lại sẽ tạo ra những mô hình nến Nhật khác nhau. Khi nắm được ý nghĩa của các mô hình nến Nhật bạn có thể dự đoán được xu hướng tiếp theo và đưa ra một chiến lược đầu tư đúng đắn. Vì lẽ đó hãy cùng tìm hiểu về nến Nhật là gì? đặc điểm của nến Nhật và các loại Nến nhật đơn giản ở phần này.
Nến nhật ra đời như thế nào?
Đây là mô hình ra đời vào thế kỷ XVIII được sáng tạo bởi Munehisa Homma; Ông là một thương nhân người Nhật được giới đầu tư gọi là “Ông tổ” của thị trường trading. Vốn xuất phát từ nhu cầu ghi chép lại các diễn biến của giá gạo trên thị trường. Ông đã cho ra đời biểu đồ nến Nhật vừa giúp theo dõi dao động của giá gạo vừa có thể phân tích được các vấn đề bên ngoài như thời tiết, chính sách kinh tế,… tác động đến giá.
Nhờ tính ứng dụng mạnh mẽ nên mô hình này đã nhanh chóng được truyền tay và du nhập sang Châu Âu. Và giờ đây nó đã trở thành một trong những biểu đồ không thể thiếu trên thị trường tài chính.
Nến Nhật là gì?
Nến Nhật là một dạng biểu đồ giá cung cấp các thông tin bao gồm: giá đóng cửa, giá mở cửa, giá cao nhất và giá thấp nhất. Từ đó nhà đầu tư sẽ có thêm các mạnh mối để phân tích về mức cầu của thị trường và dự đoán được hướng đi tiếp theo.
Cấu tạo của một cây nến Nhật bao gồm:
- Thân nến: thể hiện 2 thông tin là giá đóng cửa và giá mở cửa. Lưu ý: Bạn xem biểu đồ nến trong khung nào thì mỗi cây nến sẽ là biến động giá của khung đó. Chẳng hạn khung D1 tức là giá mở cửa và đóng cửa trong phiên giao dịch ngày hôm đó. Còn nếu bạn xem vào khung H1 thì giá thể hiện trong 1 giờ thôi.
- Bóng nến: thể hiện 2 thông tin là mức giá cao nhất và mức giá thấp nhất cũng trong một khung thời gian như trên.
Các loại nến Nhật trong chứng khoán
Dựa trên cấu tạo của nến Nhật có thể chia thành 2 loại cơ bản. Đó là nến tăng và nến giảm. Cho nên khi quan sát biểu đồ nến bạn sẽ thường thấy 2 loại nến với 2 màu sắc khác nhau là màu xanh và màu đỏ.
– Nến tăng (màu xanh) cho biết giá mở cửa < giá đóng cửa.
– Nến giảm (màu đỏ) cho biết giá mở cửa > giá đóng cửa.
Ý nghĩa của nến Nhật
Mỗi cây nến đều thể hiện cho tâm lý của các nhà đầu tư đằng sau. Đó chính là hành động giá dựa trên sức mạnh của phe mua và phe bán. Dựa vào hình dạng của cây nến bạn có thể phán đoán phe nào đang chiếm ưu thế. Từ đó dự đoán xu thế tiếp theo và biết được có nên gia nhập thị trường hay không.
Giả sử với môt cây nến màu xanh + thân nến dài có nghĩa là giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa nhiều. Điều này cho thấy phe mua đang mạnh hơn và áo đảo phe bán. Ngược lại một cây nến màu đỏ với thân dài tức là phe bán đang áp đảo phe mua. Nhìn chung thân nến càng dài thì có nghĩa là áp lực của phe này lên phe kia càng lớn.
Đó là về phần thân nến, còn bóng nến thì sao?
- Bóng nến trên dài + bóng dưới ngắn: Phe mua đang cố gắng đẩy giá lên. Nhưng bị phe bán nhảy vào làm giá giảm lại.
- Bóng nến trên ngắn + bóng dưới dài: Phe bán quá mạnh đẩy giá xuống thấp hơn. Nhưng vì lí do nào đó khiến phe mua nhảy vào kéo giá lên lại.
- Thân nến ngắn + không có bóng nến (hoặc ngắn): Không có phe nào đang chiếm lĩnh thị trường. Giá không biến động nhiều so với ban đầu.
=> Nhìn chung cuộc chiến giữa phe mua và phe bán càng khốc liệt thì bóng nến sẽ càng dài cho biến giá dao động rất lớn. Đồng thời, thân nến rất ngắn thể hiện giá mở cửa và đóng cửa gần như bằng nhau.
Các mô hình nến trong phân tích kỹ thuật
Khi tìm hiểu về các loại mô hình nến Nhật có lẽ bạn sẽ khá ngợp vì có quá nhiều mô hình. Người ta có thể chia thành 2 hướng: nhóm đảo chiều và nhóm tiếp diễn. Tức là tập hợp các mô hình dự báo xu hướng đảo chiều so với xu hướng trước đó. Ngược lại tiếp diễn tức là xu hướng tiếp theo sẽ tiếp tục xu hướng trước đó.
Ví dụ:
Mô hình nến đảo chiều như Hammer, nến nhấn chìm, Hanging Man, nến sao hôm, nến sao mai,…
Mô hình nến tiếp diễn như mô hình tăng giá 3 bước hay giảm giá 3 bước; mô hình nến mẹ bồng con tăng hoặc giảm,…
Tuy nhiên, bài viết hôm nay mình sẽ chỉ giới thiệu các mô hình nến Nhật cơ bản và được sử dụng nhiều nhất. Để đơn giản mình sẽ bắt đầu với mô hình nến đơn, nến đôi, ba nến, nhiều nến (các mô hình giá).
Có thể bạn quan tâm: 12 mô hình nến đảo chiều mạnh nhất
- Mô hình giá
Mô hình giá gồm rất nhiều mô hình như:
- Mô hình lá cờ tăng, giảm
- Mô hình đầu vai
- Mô hình cái nêm
- Mô hình tam giác
- Mô hình 2 đỉnh 2 đáy
- Mô hình 3 đỉnh 3 đáy
- …
Các mô hình này được tạo ra từ nhiều cây nến ghép lại với một vài điều kiện đi kèm. Nhà đầu tư cần xem xét một cách tổng quát và nhận dạng được biểu đồ nến có hình dáng của mô hình nào. Từ đó dự đoán được xu hướng tiếp theo. Đây là một mô hình được yêu thích bởi các nhà đầu tư dài hạn. Vì nó thường mất vài tuần để hình thành.
Kết luận
Nến nhật là mô hình được sử dụng nhiều nhất bởi các nhà đầu tư trong phân tích kỹ thuật. Nó đơn giản và dễ nhận ra. Vì lẽ sẽ có nhiều nhà đầu tư biết và hành động theo. Và nhờ đó những gì bạn dự đoán có khả năng đi đúng hướng hơn. Mặc dù có quá nhiều mô hình nến khác nhau và thậm chí dễ làm bạn nhầm lẫn. Vì vậy bạn không cần phải tìm hiểu tất cả mô hình nến. Mà hãy tìm hiểu thật kỹ và phân biệt được cái mô hình được sử dụng nhiều nhất mình vừa chia sẻ bên trên.
Bài viết này mình sẽ chỉ cung cấp cho các bạn các thông tin cơ bản về mô hình nến Nhật là gì? Ý nghĩa nến Nhật cũng như các mô hình nến cơ bản nhất. Để tìm hiểu sâu hơn từng mô hình các bạn hãy tìm đọc các bài viết phân tích từng mô hình cụ thể trên website này nhé!.
Tổng hợp: Tienaogiatot.com