Broker là gì? Đây có lẽ là từ mà các nhà đầu tư mới nghe rất nhiều lần khi bắt đầu tham gia vào thị trường tài chính. Không chỉ quen thuộc với nhà đầu tư, broker còn có vai trò cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới kết quả đầu tư của bạn. Broker dịch ra có nghĩa là người môi giới, hay chính là trung gian giúp bạn mở tài khoản, thực hiện các lệnh mua và bán chứng khoán hay bất kỳ sản phẩm tài chính nào dưới sự ủy quyền của bạn. Broker có thể là một tổ chức, sàn giao dịch hoặc là cá nhân am hiểu về đầu tư.
Hiểu broker là gì không khó tuy nhiên chọn đúng broker cho mình để bắt đầu đầu tư thì không dễ dàng chút nào. Đặc biệt bây giờ là thời mà công nghệ, giao dịch trực tuyến trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết. Vì lẽ đó sẽ có rất nhiều vấn đề xoay quanh broker mà bạn cần tìm hiểu khi mới bước chân vào thị trường. Nếu bạn là một nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm thì đừng bỏ lỡ bài viết này nhé!
Mục lục
Broker là gì?
Broker hay còn gọi là sàn giao dịch thực hiện một chức năng quan trọng trên thị trường chứng khoán. Họ thực hiện các giao dịch như mua và bán cổ phiếu thay cho khách hàng của họ. Đổi lại, họ tính phí hoa hồng môi giới.
Bên cạnh đó các Broker chứng khoán cũng cung cấp các dịch vụ khác. Ví dụ như dịch vụ quản lý danh mục đầu tư và tư vấn tài chính. Với các giao dịch trên thị trường chứng khoán diễn ra trực tuyến, các nhà môi giới cũng cung cấp nhiều nền tảng thông qua đó các nhà đầu tư và thương nhân có thể tiếp cận thị trường chứng khoán.
Tại thị trường Việt Nam, các broker là các sàn giao dịch hay công ty chứng khoán được cấp phép bởi Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước. Các công ty này có địa điểm hoạt động cụ thể và tuân thủ nhiều quy định quản lý nghiêm ngặt để đại diện cho khách hàng tham gia giao dịch một cách công khai, minh bạch.
Nước ta hiện chỉ có khung pháp lý đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Các lĩnh vực như forex, tiền điện tử hiện vẫn chưa quy định và cấp phép. Bên cạnh đó các app giao dịch chứng khoán của một vài doanh nghiệp tự phát để huy động vốn cho các quỹ đầu tư cũng không được cấp phép và giám sát. Vì lẽ khi tham gia vào các sàn này các bạn không được bảo vệ bởi pháp luật. Vì lẽ đó trong bài viết hôm nay mình chỉ đề cập chủ yếu đến broker chứng khoán.
Lịch sử phát triển ngành môi giới chứng khoán
Broker là một nghề được thể chế hóa có từ Thế kỷ thứ II trước Công nguyên, Rome. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã, một nghề như vậy vẫn lỗi thời cho đến thời Phục hưng Châu Âu. Đó là một hoạt động quy mô nhỏ với giao dịch trái phiếu chính phủ thưa thớt và lẻ tẻ ở một số thành phố của Ý như Venice và Genoa.
Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty không được giao dịch chính thức cho đến năm 1602, khi Công ty Đông Ấn Hà Lan phát hành cổ phiếu giao dịch công khai đầu tiên thông qua Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam. Do luật về quyền tài sản cá nhân được truyền bá trong Đế chế Hà Lan, nghề môi giới chứng khoán – broker phát triển mạnh mẽ.
Vào cuối thế kỷ 17, Sở giao dịch chứng khoán London ra đời và gần một trăm năm sau, vào năm 1792, Sở giao dịch chứng khoán New York được thành lập. Châu Á xuất hiện sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên là Sàn giao dịch chứng khoán Bombay của Ấn Độ vào năm 1875.
Chức năng của Broker là gì?
Khớp lệnh: Các nhà môi giới thực hiện các lệnh giao dịch của khách hàng trực tuyến. Đối với điều này, môi giới tính phí hoa hồng. Đây có thể là một khoản phí cố định cho mỗi giao dịch hoặc một tỷ lệ phần trăm trên giá trị giao dịch.
Nền tảng giao dịch: Có nhiều nền tảng an toàn thông qua đó khách hàng có thể đặt lệnh là điều cần thiết hiện nay. Hầu hết các nhà môi giới lớn đều cung cấp ứng dụng và phần mềm giao dịch cho điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy tính bảng. Bạn cũng có thể giao dịch và đầu tư qua điện thoại hoặc trao đổi trực tiếp với broker.
Tư vấn tài chính: Cả nhà đầu tư mới và dày dạn kinh nghiệm vẫn thường tham khảo các khuyến nghị cổ phiếu từ nhà môi giới của họ. Nhưng các nhà môi giới chứng khoán được yêu cầu tiết lộ tất cả thông tin khi giới thiệu một cổ phiếu bao gồm cả việc minh bạch về các rủi ro.
Cấp vốn ký quỹ: Các nhà giao dịch có tài khoản với quỹ môi giới lớn có thể sử dụng các phương tiện cấp vốn ký quỹ. Về cơ bản, điều này có nghĩa là vay tiền từ nhà môi giới để có thể đặt các lệnh lớn hơn so với số vốn mình thực sự có.
Để thực hiện các chức năng môi giới chứng khoán này, công ty phải có các giấy phép cần thiết. Hiện có 81 brokers được cấp phép bởi UBCKNN là đủ điều kiện hoạt động. Bạn có thể tìm danh sách này để tham khảo trước tránh chọn phải broker không được giám sát hoặc lừa đảo.
Tiêu chí chọn broker là gì?
Như mình đã đề cập ở trên, có tới 81 broker chứng khoán được cấp phép hoạt động chỉ tính riêng ở thị trường Việt Nam. Đây không phải là một con số nhỏ và có thể sẽ khiến cho bạn có chút bối rối khi phải lựa chọn. Dưới đây là một vài lưu ý mà bạn nên cân nhắc khi chọn nhà môi giới.
- Chức năng của nhà môi giới
Mặc dù đều cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư,… Nhưng thực chất mỗi broker lại có một thể mạnh khác nhau. Có broker chiết khấu tức chỉ tập trung cung cấp dịch vụ mua, bán cổ phiếu, trái phiếu,… mà không có nhiều dịch vụ bổ sung cho nên các broker này thường có phí rẻ hơn.
Trong khi đó có các broker tập trung vào dịch vụ và tư vấn, điều này giúp khách hàng của họ bắt đầu dễ dàng và ít thất bại hơn nhưng bù lại chi phí sẽ cao hơn. Ngoài ra, cung có các broker tập trung vào thị trường ngách như quỹ đầu tư, tỷ lệ ký quỹ cao,… Vì lẽ đó bạn cần tìm hiểu điểm mạnh của broker là gì và nhu cầu đầu tư của bạn ra sao.
- Lý lịch của broker
Việc kiểm tra kỹ lưỡng nền tảng và lịch sử hoạt động trong quá khứ của broker có thể cung cấp cho bạn một bức tranh rõ ràng và đầy đủ. Chẳng hạn như broker đó đã tham gia vào ngành này được bao lâu? Tình hình hoạt động và phát triển trong những năm gần đây? Phản hồi của khách hàng hay các lỗi, sự cố có thể đã từng có.
Bạn có thể tham khảo thêm từ bạn bè, những người đã có kinh nghiệm đầu tư. Hoặc nếu không, bạn có thể tìm hiểu các thông tin về broker đó trên mạng, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, lượng khách hàng mà họ đang có. Có một thống kê về thị phần của các broker hàng năm sẽ cho bạn cái nhìn khá chuẩn về vấn đề này.
- Các loại chi phí có thể có
Hiển nhiên để duy trì hoạt động, broker phải thu phí hoa hồng từ bạn. Thông thường bạn sẽ phải trả một khoản phí trên giá trị mỗi giao dịch mà mình thực hiện. Đây là phần chính, nhưng còn rất nhiều phí chìm bạn cũng cần quan tâm. Chẳng hạn như có phí mở tài khoản không (thường là miễn phí), phí nạp và rút tiền có cao không? Có phí thường niên, phí duy trì tài khoản không?
Ngoài ra, với mỗi loại sản phẩm là cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ đầu tư thì có mức phí khác nhau. Thậm chí mức phí cũng chênh lệch nhiều giữa có cố vấn đầu tư hay không? Vì vậy bạn hãy tham khảo thật kỹ phần này nhé!
- Nền tảng giao dịch
Giao dịch trực tuyến đã vượt trội so với hình thức giao dịch truyền thống. Một broker cho phép truy cập nhanh vào các giao dịch trực tuyến của bạn thông qua giao diện người dùng thân thiện, rõ ràng, có nút hỗ trợ sẽ xếp hạng tốt hơn. Bất kỳ lỗi kỹ thuật thường xuyên hoặc trở ngại nào trong các hoạt động trực tuyến đều có thể ảnh hưởng đến đánh giá của khách hàng.
Hầu như các broker chứng khoán Việt Nam nào cũng có sự cố hay bảo trì định kỳ về nền tảng giao dịch. Chủ yếu là ít hay nhiều nên hãy tìm các bài báo về sự cố kỹ thuật của sàn xem tần suất ra sao nhé! Điều này rất quan trọng nếu bạn đang cần giao dịch ngay lập tức.
- Dịch vụ hỗ trợ khách hàng
Điều này có lẽ không cần phải nói nhiều. Vì nếu bạn gửi rất nhiều tiền trong các lệnh giao dịch trên sàn. Một sự cố xảy ra và bạn được hỗ trợ ngay lập tức, mọi thứ được giải quyết đơn giản. Điều này thực sự tuyệt vời đúng không nào? Nhưng nếu bạn không liên hệ được với hotline và bạn đang mất tiền dần dần. Không khác gì đang ngồi trên đống lửa. Đó là lí do mà bạn nên quan tâm đến dịch vụ CSKH của broker mình muốn chọn.
Kết luận
Với những chia sẻ trên, mình nghĩ rằng các bạn đã hiểu broker là gì? Cần lưu ý gì khi lựa chọn một broker rồi đúng không nào. Hãy dành nhiều thời gian một chút để tìm hiểu về các nhà môi giới nhé vì chắc chắn đây là một bước quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm đầu tư của bạn sau này và thậm chí là kết quả đầu tư của bạn nữa đấy!
Tổng hợp: Tienaogiatot.com