RSI là một chỉ báo động lượng cực kỳ quan trọng giúp trader xác định được vùng quá mua và quá bán và kịp thời cắt lỗ hay chốt lời. Có rất nhiều cách giao dịch sử dụng chỉ số RSI khác nhau. Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn sử dụng thành công chỉ số này theo cách độc đáo của riêng mình. Quan trọng nhất vẫn là bạn phải hiểu bản chất và sử dụng nó linh hoạt.
Về cơ bản nó có thể giúp bạn xác định cơ hội mua trong một thị trường có xu hướng. Lý tưởng nhất là RSI sẽ ngăn cản bạn theo đuổi thị trường nếu nó đã ở tình trạng mua quá mức. Nghe có vẻ tuyệt đúng không? Cách sử dụng chỉ số RSI cũng không hề khó khăn đâu! Hãy bắt đầu cùng chúng mình tìm hiểu chỉ số RSI là gì và cách sử dụng chỉ số RSI trong bài viết này nhé!
Mục lục
Chỉ số RSI là gì?
RSI (Relative Strength Index) hay còn gọi là chỉ số sức mạnh tương đối được tạo ra bởi J.Welles Wilder để đo lường tốc độ biến động giá trong một khoảng thời gian xác định (J.Welles Wilder sử dụng khoảng thời gian là 14 ngày). Chỉ số RSI được đo lường từ 0 đến 100 và giá tăng càng nhanh thì chỉ số này sẽ càng cao.
Thông thường trên các live chart, chỉ số RSI sẽ không xuất hiện chung với biểu đồ giá như đường MA hay đường xu hướng. Nó có một khung riêng nằm bên dưới biểu đồ giá. Thay vì thể hiện theo giá thì nó sẽ thể hiện theo thang điểm từ 1-100 mà chủ yếu nhất là từ 30-70. Vì lẽ đó sẽ có vài quy tắc giao dịch cơ bản với RSI ở phần tiếp theo dựa theo đặc điểm này.
Cách tính chỉ số RSI
Chỉ số RSI được tính theo công thức: RSI = 100 – 100/(1+RS)
RS = giá đóng cửa tăng trung bình (14 phiên)/giá đóng cửa giảm trung bình (14 phiên)
* Khoảng thời gian trung bình thường được sử dụng là 14 ngày (theo J.Welles Wilder).
Ví dụ: Cổ phiếu XYZ tăng 28 nghìn trong 14 ngày => mức tăng trung bình 1 ngày = 2 nghìn đồng. Mức giảm của cổ phiếu này trong 14 ngày là 14 nghìn => Mức giảm trung bình 1 ngày = 1 nghìn đồng.
RS (14) = 2000/1000= 2
RSI = 100 – 100/(1+2) = 66.67
Cách bật chỉ báo RSI
Khi biết được cách tính chỉ số RSI bạn có thể hiểu rõ hơn bản chất của chỉ số này. Tuy nhiên, để giao dịch nhanh chóng, các phần mềm hầu như sẽ đều tính sẵn cho bạn và việc duy nhất bạn cần làm là bật nó lên. Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn cách bật RSI trên phần mềm MT4.
- Bước 1: trên giao diện nền tảng MT4, bạn chọn Insert > Indicator > Oscillators > Relative Strength Index
- Bước 2: Chọn chu kỳ 14 (có thể chọn chu kỳ khác nếu muốn). Sau đó điều chỉnh màu sắc, hình dáng đường RSI mà bạn muốn.
Vùng quá mua, quá bán là gì?
Khi tìm hiểu các mô hình phân tích kỹ thuật chắc bạn từng nghe qua các mẹo như kiểm tra giá có đang nằm ở vùng quá mua hay vùng quá bán không. Đây là một trong những cách làm cực kỳ đơn giản mà hiệu quả để giúp bạn xác định có nên tham gia vào thị trường không. Chỉ số RSI thường biến động trong ngưỡng 30-70. Vì thế mà nó được chọn để làm mốc xác định vùng qua mua và quá bán.
Nếu RSI > 70 => Giá đang nằm ở vùng quá mua (Overbought). Thông thường thị trường đang tăng và nhiều khả năng chuẩn bị điều chỉnh thành giảm.
Nếu RSI < 30 => Giá đang nằm ở vùng quá bán (Oversold). Thông thường thị trường đang giảm và nhiều khả năng chuẩn bị điều chỉnh thành tăng.
Lưu ý: Khi giá nằm trong vùng quá không có nghĩa là bạn nên mua vào. Vì giá có thể còn ở vùng này lâu và có nhiều phiên giảm mạnh trước khi tăng. Ngược lại, Khi giá nằm trong vùng quá mua không có nghĩa là thời điểm bạn nên bán ra. Nó có thể di chuyển quanh vùng này rất lâu và thậm chí có nhiều phiên tăng mạnh trước khi giảm.
Cách sử dụng chỉ số RSI để giao dịch
Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực chất việc vận dụng chỉ báo RSI vào giao dịch rất đơn giản. Bởi phần mềm đã tỉnh sẵn chỉ số này và bạn chỉ cần bật lên. Các tín hiệu đưa ra để giao dịch cũng rất dễ nhận biết. Ngoài ra, có rất nhiều cách sử dụng chỉ số RSI để giao dịch. Bạn có thể tham khảo một vài cách đơn giản sau:
Dựa vào vùng quá mua và quá bán
RSI chủ yếu dao động trong vùng 30-70 và nó không cho biết dấu hiệu đặc biệt gì nếu nằm an toàn trong vùng này. Tuy nhiêu nếu vượt ra khỏi mốc 30 và 70 tức là vùng quá bán và quá mua thì đây là một tín hiệu đảo chiều khá chính xác.
Lưu ý mình đã chia sẻ ở phần trên, sở dĩ dùng từ vùng quá mua và quá bán là để ám chỉ một phạm vi rộng chứ không phải là một điểm nhất định. Vì vậy sau khi giá vượt tra khỏi mốc 30 hay 70 vẫn có thể di chuyển quanh vùng này một thời gian dài nữa. Vì vậy tuyệt đối không vào lệnh khi giá phá vỡ mức này.
Vậy phải vào lệnh lúc nào? Hãy chờ đến khi giá thoát khỏi vùng qua mua và quá bán. Tức là nhà đầu tư sẽ chốt lời khi giá vượt qua vùng quá mua và quay đầu. Đồng thời nhà đầu tư có thể tham gia thị trường khi giá vượt qua vùng quá bán và quay đầu. Bạn nhìn hình để hiểu rõ hơn.
Dựa vào RSI phân kỳ với đường giá
Phân kỳ RSI là gì? Thông thường khi theo dõi cả đường giá và đường RSI; hầu hết các chuyển động của 2 đường này là giống nhau. Giá tạo đỉnh cao hơn thì đường RSI cũng sẽ tạo đỉnh cao hơn. Tuy nhiên cũng có trường hợp đường giá và đường RSI khác biệt. Chẳng hạn đường giá có đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng đường RSI lại có đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Đây chính là sự phân kỳ giữa 2 đường giá và RSI.
Vậy nếu nhận được tính hiệu này, bạn sẽ giao dịch ra sao?
- RSI phân kỳ giảm: Giá đỉnh sau > đỉnh trước, RSI có đỉnh sau < đỉnh trước => thị trường sắp đảo chiều thành giảm
- RSI phân kỳ tăng: Giá đáy sau < đáy trước, RSI có đáy sau > đáy trước => thị trường sắp đảo chiều thành tăng
=> Sau khi xác định được xu hướng tiếp theo bạn có thể vào lệnh sau khi xuất hiện đỉnh thứ 2.
Lưu ý: Trường hợp RSI và giá phân kỳ ẩn sẽ cho dấu hiệu ngược lại, hãy cẩn thận!
- Giá tăng (đáy sau cao hơn đáy trước) => RSI đáy sau < đáy trước => xu hướng vẫn tăng
- Giá giảm (đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước) => RSI đỉnh sau > đỉnh trước => xu hướng vẫn giảm
Xác định xu hướng bằng chỉ báo RSI
Đầu tiên hãy chọn khung thời gian thật cao, có thể là 200 hay 250 thay vì chỉ chọn 14. Bởi việc xác định xu hướng cần thời gian dài.
- RSI > 50 => mức tăng trung bình lớn hơn mức giảm trung bình => xu hướng tăng
- RSI < 50 => mức tăng trung bình thấp hơn mức giảm trung bình => xu hướng giảm
Lưu ý khi giao dịch với chỉ số RSI
- Chỉ báo RSI trong chứng khoán cho kết quả tốt nhất bởi thị trường chứng khoán thường có xu hướng tăng trong dài hạn, không giống với tiền điện tử hay forex biến động bất ngờ. Vì vậy bạn có thể chờ các đợt pullpack để kiểm tra các điểm breakout của RSI trước khi vào lệnh.
- Time Frame phù hợp để sử dụng cùng chỉ số RSI nên là khung thời gian cao. Tối thiểu là H4 hay D1.
- Nếu chỉ sử dụng một mình chỉ báo RSI để giao dịch thì chắc chắn là không đủ. Thường nó được sử dụng để xác nhận lại các mô hình đảo chiều. Hay kết hợp với các chỉ báo khác chẳng hạn như MACD, kháng cự và hỗ trợ,…
- Thay đổi các thông số tính RSI chẳng hạn như chu kỳ 14 ngày thành 7 ngày hay 10, 15 ngày,… Ngoài ra, thay vì sử dụng vùng 30-70 bạn có thể sử dụng vùng 20-80 hoặc 25-75. Nói chung sau khi sử dụng thành thạo chỉ số RSI bạn có thể sáng tạo để xây dựng chiến lược đầu tư của riêng mình.
Có thể bạn quan tâm: Chỉ báo ATR là gì?
Kết luận
Trên đây là các thông tin cơ bản về chỉ số RSI là gì? Hướng dẫn tính, cài đặt và cách sử dụng chỉ số RSI để giao dịch. Nói chung để tăng độ chính xác, bạn nên tìm kiếm các mô hình đảo chiều hay tiếp diễn có độ tin cậy cao và kết hợp với chỉ báo RSI để giao dịch thì sẽ an toàn hơn. Hy vọng những thông tin mình vừa chia sẻ có thể cung cấp nhiều kiến thức cho bạn trong đầu tư. Chúc bạn giao dịch thành công!
Tổng hợp: Tienaogiatot.com