Như bài viết trước mình đã từng chia sẻ về margin là gì? Đây là dịch vụ đòn bẩy tài chính, tức là sàn môi giới sẽ cho bạn vay tiền để đầu tư với tài sản đảm bảo chính là cổ phiếu của bạn. Tuy nhiên, với giao dịch đòn bẩy, ngoài cần chú ý đến thuật ngữ margin thì “call margin” cũng là một thuật ngữ hết sức quan trọng. Nó còn có tên gọi khác là “lệnh ký quỹ”. Và tất nhiên là không một nhà đầu tư nào muốn gặp phải vấn đề này khi giao dịch.
Nói dễ hiểu thì bạn vay tiền từ broker thì bạn phải đảm bảo tỷ lệ tài sản hiện tại trên số tiền vay lớn hơn bao nhiêu % đó theo quy định từng sàn. Nếu bạn bị lỗ và tỷ lệ này giảm xuống dưới tỷ lệ cho phép của sàn, bạn sẽ nhận được một lệnh gọi ký quỹ – chính là call margin. Vậy trong trường hợp này bạn sẽ phải xử lý như thế nào? Hãy cùng Tienaogiatot tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Mục lục
Call Margin là gì?
Call Margin (lệnh ký quỹ) có nghĩa là thông báo từ nhà môi giới đến nhà đầu tư sử dụng dịch vụ margin trong trường hợp giá cổ phiếu giảm khiến tài sản của nhà đầu tư rơi xuống điểm an toàn theo quy định của sàn. Thông thường phía nhà môi giới sẽ gửi thông báo để yêu cầu nhà đầu tư bổ sung thêm tiền hoặc bán bớt cổ phiếu đi.
Bạn chỉ cần quan tâm tới call margin nếu bạn sử dụng dịch vụ đòn bẩy của công ty. Lưu ý rằng công ty sẽ liên lạc qua mail hoặc gọi điện để thông báo khi bạn gặp phải call margin. Trong trường hợp này, bạn chỉ có 2 giải pháp: Nộp thêm tiền hoặc bán bớt cổ phiếu. Nếu trong thời gian quy định, thông thường là 3 ngày mà bạn không chủ động giải quyết, tỷ lệ vượt qua khỏi force-sell, sàn sẽ tự bán bớt cổ phiếu mà không cần được sự cho phép của bạn để đưa tỷ lệ này về đúng quy định cho phép của sàn.
Thông thường mỗi sàn môi giới sẽ có một mức quy định call margin khác nhau. Ví dụ sàn New York (NYSE) quy định tỷ lệ này tối thiểu phải là 25%. Còn ở sàn Việt Nam thì đa số sàn sẽ có tỷ lệ cao hơn khoảng 30-40%.
Ngưỡng an toàn (tỷ lệ call margin) = Giá trị tài sản ký quỹ hiện tại/Tổng giá trị tài sản % > 30-40% (tùy sàn).
Làm gì khi bị gọi ký quỹ?
Vì mỗi công ty sẽ đặt ra một ngưỡng an toàn, tức tỷ lệ call margin khác nhau. Mình sẽ đặt tỷ lệ này là Z. Gọi X là giá trị cổ phiếu thực ký quỹ của bạn ở thời điểm hiện tại, Y là tổng giá trị tài sản. Khi thị trường tụt dốc khiến cho giá trị X giảm và tỷ lệ ký quỹ của bạn cũng giảm theo. Ngưỡng an toàn = X/Y. Trong trường hợp tỷ lệ X/Y < Z => Bạn bị call margin, nhà đầu tư có 2 cách để giải quyết:
Cách 1: Nộp thêm tiền
- (X+ số tiền cần nộp thêm)/ (Y+số tiền cần nộp thêm) > Z
Cách 2: Bán bớt cổ phiếu
- (X + lượng cổ phiếu phải bán bớt*giá)/Y >Z
Ví dụ về cách tính Call margin
Bạn muốn mua 2000 cổ phiếu VNM với giá 100.000 VNĐ => Số tiền bạn cần là 200 triệu. Vốn bạn đang có là 100 triệu VNĐ, bạn vay thêm từ sàn 100 triệu nữa. Tức tỷ lệ ký quỹ tại sàn là 1:2 và ngưỡng an toàn (tỷ lệ call margin) của sàn là 40%. Vài ngày sau, giá cổ phiếu VNM giảm xuống 30% tức là chỉ còn 70.000VNĐ/cổ phiếu. Lúc này tổng giá trị cổ phiếu của bạn là 70.000×2000= 140 triệu. Bạn vay từ broker 100 triệu nên số tiền ký quỹ của bạn hiện tại chỉ còn 40 triệu.
Lúc này X/Y = Giá trị tài sản thực ký quỹ/tổng giá trị tài sản = 40/140 = 28.5 % < 40 %
=> Tỷ lệ giảm xuống dưới mức cho phép của sàn nên bạn bị call margin.
Vậy trong tình huống này, bạn có thể bổ sung thêm tiền hoặc bán bớt. Vậy cách tính số tiền cần nộp thêm hoặc số cổ phiếu phải bán bớt như sau:
Cách 1: Bạn nộp thêm số tiền = A
(40 triệu + A)/(140 triệu + A) > 40%
=> A > 26,67 triệu
Cách 2: Số cổ phiếu cần bán bớt = B
(40 triệu + 0,07 triệu*B)/140 triệu > 40%
=> B > 229 cổ phiếu
Vậy chốt lại là bạn phải nộp vào tối thiểu 26,67 triệu hoặc bán bớt 230 cổ phiếu để quay lại ngưỡng an toàn.
Cách tránh bị sàn gọi ký quỹ
Trước khi quyết định đầu tư bạn cần nghiên cữu kỹ lưỡng cổ phiếu mà mình định giao dịch. Đặc biệt, nếu bạn là nhà đầu tư mới thì không nên sử dụng dịch vụ đòn bẩy. Vì tỷ lệ rủi ro khi sử dụng margin rất lớn chỉ phù hợp với các trader chuyên nghiệp. Còn trường hợp không may mắn, cổ phiếu vẫn có thể lao dốc vì tác động từ yếu tố bất ngờ, bạn có thể hạn chế rủi ro bằng các cách sau:
- Sử dụng lệnh stop loss đối với bất kỳ giao dịch nào. Việc cắt lỗ tự động là điều cực kỳ cần thiết giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro. Bởi tâm lý chung của nhà đầu tư là khi thị trường giảm từ từ thì sẽ ráng ôm và chờ đợi xu hướng tăng lại. Nhưng nếu đó là xu hướng giảm thì sẽ thua lỗ lớn. Vì vậy stop loss siêt chặc kỹ luật đầu tư để tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý.
- Sử dụng đòn bẩy thấp: Có nhiều sàn cung cấp tỷ lệ đòn bẩy rất cao lên tới 1:500, 1:800, 1:1000,… Nếu bạn sử dụng tỷ lệ đòn bẩy lớn thì rủi ro sẽ rất cao. Chỉ nên sử dụng đòn bẩy khi giao dịch trên thị trường có xu hướng tăng.
- Đặt lệnh với khối lượng vừa phải: Các trader mới có thể áp dụng nguyên tác tổng khối lượng tất cả các lệnh <= 5% số dư tài khoản.
Kết luận
Nếu bạn đã tìm hiểu margin là gì thì chắc chắn bạn cũng hiểu rủi ro của đòn bẩy. Vì vậy mình không khuyến khích sử dụng đòn bẩy với các nhà đầu tư mới. Ngoài ra, nếu bạn đã quen giao dịch đòn bẩy thì lưu ý khi gặp phải call margin là chú ý thông báo cũng như theo dõi khoảng đầu tư của mình để xử lý tránh trường hợp quá hạn, sàn sẽ chủ động bán mà không cần thông báo bạn. Ngoài ra, trong một vài trường hợp cổ phiếu giảm sâu, sàn sẽ sử dụng toàn bộ tài sản của bạn để thế chấp. Lúc đó bạn có thể bị mất hết tài sản.
Trên đây là các thông tin mình tổng hợp về call margin. Hy vọng qua bài viết bạn đã hiểu Call Margin là gì? Cách tính call margin và làm gì khi rơi vào tình huống này.
Tổng hợp: Tienaogiatot.com